Nên dùng máy ép trái cây tốc độ nhanh hay tốc độ chậm?

Để có một ly nước ép thơm ngon, ngoài việc chọn được nguyên liệu tươi sạch, chúng ta cần phải có một chiếc máy ép trái cây thật sự tốt và đảm bảo. Vậy giữa 2 dòng máy ép tốc độ nhanh (máy ép ly tâm) và tốc độ chậm, chị em nên chọn máy nào là tốt nhất? 

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi xin chia sẻ một số trải nghiệm của mình về hai dòng máy ép trái cây này giúp cho chị em có cái nhìn toàn diện hơn, thực tế hơn.
Như chúng ta cũng biết, nước ép chính là những tinh chất tốt nhất được lấy trực tiếp từ các loại rau, củ, quả chứa nhiều dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Bởi thế, nhiều chị em nội trợ đã bớt chút thời gian mỗi ngày để chế biến những ly nước trái cây bổ dưỡng cho những người thân yêu trong gia đình.

Nước ép là loại nước bổ sung rất nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể
Nhắc tới máy ép trái cây, người ta thường nghĩ ngay đến các loại máy ép nhanh (máy ép ly tâm) bởi nó ra đời và thống lĩnh thị trường sớm hơn. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện một loại máy ép mới, gọi là máy ép chậm được các chị em rỉ tai nhau nên lựa chọn. Vậy thực tế, máy ép trái cây tốc độ chậm có hoàn hảo hơn máy tốc độ nhanh chúng ta thường sử dụng?

Máy ép trái cây tốc độ nhanh (máy ép ly tâm)
Hẳn không ít người biết rằng, máy ép trái cây tốc độ nhanh (máy ly tâm tốc độ cao) ra đời trước và khá phổ biến trên thị trường và được nhiều chị em nội trợ tin dùng.
Về cấu tạo máy: loại máy này được cấu tạo bởi các bộ phận chính bao gồm: mô-tơ tốc độ cao, mâm xay với nhiều lưỡi dao và lưới vắt, nắp máy có khe tiếp nguyên liệu, khay hứng nước ép và xả bã….
Nguyên lý hoạt động: khi chúng ta đưa hoa quả vào, mâm xay sẽ chạy với tốc độ rất cao giúp hoa quả được mài nhỏ dần và tách phần nước ra khỏi phần bã nhờ lực ly tâm. Với cấu tạo đơn giản, loại máy này có giá bán chỉ khoảng từ 1 đến 2 triệu đồng, không quá đắt nếu bạn muốn mua một chiếc máy ép để sử dụng trong gia đình.

Sau một thời gian sử dụng, cá nhân mình thấy nó cũng có những ưu – nhược điểm nhất định như sau:
Ưu điểm:
Tham khảo một số siêu thị điện máy uy tín và khá lớn trên thị trường, mình được tư vấn dòng máy xay ly tâm tốc độ nhanh giá thành cũng không quá đắt, chỉ khoảng 500.000 đến 2 triệu bạn có thể sở hữu ngay một máy ép. Về cơ bản chúng đều có tác dụng ép rất tốt, giá cả chênh lệch do thương hiệu của từng hãng hoặc trong sản phẩm có thêm một vài chức năng nho nhỏ.

Máy ép trái cây tốc độ nhanh có thiết kế khá đẹp và gọn nhẹ
Máy ép tốc độ nhanh có khả năng ép được nhiều loại trái cây và rau củ khác nhau, giúp bạn có thể chế biến được những ly nước ép giá trị dinh dưỡng cho người thân trong gia đình mà không phải mua ngoài hàng vừa đắt tiền vừa lo nguồn thực phẩm không được tươi sạch.

Lưỡi dao và lưới lọc của máy ép trái cây
Như mình thấy, lưỡi dao và lưới lọc là bộ phận quan trọng của tất cả các loại máy ép dù đắt tiền hay rẻ tiền. Thế nên đại đa số chúng được làm bằng thép không gỉ, màu sáng bóng có khả năng chống mài mòn. Đối với các thương hiệu có uy tín, lưỡi dao và lưới lọc được cam kết bảo vệ an toàn cho sức khỏe người sử dụng nên mình khá yên tâm. Bên cạnh đó, chúng được bảo hành, cam kết về thời gian sử dụng, đảm bảo phục vụ được bạn về lâu về dài.

Nhược điểm: 
Sau một thời gian sử dụng, mình rút ra kết luận, những “em” máy ép tốc độ nhanh này cực kém khi ép các loại cây nhiều lá. Với những loại quả mọng nước như cà chua, bưởi, cam thì nước ép khá dồi dào và máy hoạt động tốt. Còn khi muốn uống chút nước ép rau như: rau má, rau ngót thì mình đành phải xếp em nó vào xó bếp.
Thứ hai, máy ép nhanh thường xay ở tốc độ cao nên nước ép bị sủi bọt và nhanh bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều enzyme tốt sẽ bị tiêu diệt, khi ấy nước ép không còn làm tốt vai trò của nó nữa.
“Cực ồn” là từ mà mình phải thốt lên khi sử dụng dòng máy ép nhanh, thậm chí nó còn to hơn tiếng tivi, thế nên gây ra không ít khó chịu khi sử dụng. Bạn cần cân nhắc vấn đề tiếng ồn này nhé!
Một vấn đề nữa mà mình chưa thực sự hài lòng về dòng máy ép này là khó lau rửa: để đảm bảo cho máy được bền, mỗi khi sử dụng xong mình ngại nhất là công đoạn vệ sinh lưỡi xay và phễu lọc bởi các xác trái cây bám vào lau rửa rất kỳ công.

Máy ép trái cây tốc độ chậm
Sau gần 2 năm sử dụng máy ép trái cây tốc độ nhanh, mới đây mình đã hạ quyết tâm để đầu tư một chiếc máy ép tốc độ chậm và thấy đúng là “đắt xắt ra miếng” thật.

Về cấu tạo: Máy ép trái cây tốc độ chậm có chứa một trục cán giúp nghiền trái cây và rau củ thành bã, phần xơ bã trước khi bị đẩy ra ngoài còn được ép lại một lần nữa qua màng lọc.
Nguyên lý hoạt động: khi đưa hoa quả vào, trục vít dạng xoắn ốc (quay khoảng 85 vòng/1 phút) sẽ từ từ đưa nguyên liệu vào lưới lọc mà gần như không tạo ra lực ly tâm và ma sát nào đối với nước ép, một bộ phận tách bã sẽ đẩy bã ra ngoài và nước ép chảy ra một cách tự nhiên. Giá thành cho một máy ép tốc độ chậm khoảng 5 triệu trở lên.

Ưu điểm:
Với 2 lần lọc triệt để, sản phẩm nước trái cây thu lại được nhiều hơn so với máy ép ly tâm thông thường, tránh việc hao hụt nguyên liệu.

Máy ép chậm chỉ hoạt động với tốc độ của vòng xoáy khoảng 85 vòng/1 phút nên sản phẩm nước ép thu được rất thơm ngon, ít sủi bọt và quá trình oxy hóa cũng chậm, đảm bảo lượng enzyme không bị mất đi.
Máy ép được hầu hết các loại rau, củ, quả, bởi thế gia đình mình ngoài những ly trái cây ép, thỉnh thoảng còn được bổ sung thêm ly nước ép rau rất tươi mát. Thế nên, mình có thể phục vụ anh xã mỗi tuần 1 ly nước ép rau má mát lành và tặng con gái 1 ly nước ép cà chua cho đẹp da. Ngoài ra, máy chạy cũng khá êm và không gây tiếng ồn lớn.
Khác với em máy ép nhanh trước đó, với chiếc máy ép chậm mới này, mỗi lần lau chùi sau khi sử dụng đã không còn là nỗi ám ảnh với mình nữa.

Nhược điểm:
Không phải tất cả các máy ép chậm đều ép được rau, lá. Một số loại máy phải “bó tay” với việc ép kiệt nước với loại rau nhiều lá. Và đúng như tên gọi máy ép chậm, mình phải mất nhiều thời gian hơn để ép một ly nước. Máy quay bằng trục chính, vì thế bạn phải mất chút thời gian để cắt nhỏ trái cây, rau củ quả trước khi đem chúng đi ép.
Một nhược điểm nữa chính là giá thành rất cao, để mua một chiếc máy ép tốc độ chậm, bạn phải bỏ ra ít nhất từ 5 triệu đồng. Đối với những máy cao cấp hơn chút, thậm chí chúng có giá lên tới 10 triệu đồng.
Dưới đây là bảng so sánh những đặc điểm cơ bản giữa 2 dòng máy ép tốc độ nhanh và tốc độ chậm để các bà nội trợ dễ tham khảo:

Một số lưu ý đối với bạn khi chọn mua máy ép trái cây
Cần xác định dung tích bình chứa và cối đựng phù hợp: Gia đình 2-4 người, dung tích bình chứa nước khoảng 500ml, dung tích cối đựng bã khoảng 600ml. Gia đình 4-6 người, dung tích bình chứa 700ml, dung tích cối đựng bã 850ml. Gia đình trên 6 người, dung tích bình chứa khoảng 800ml trở lên, dung tích cối đựng bã khoảng 1L.
Về công suất: Máy ép có công suất 200W-300W thường ép được các loại trái cây mềm như dưa hấu, lê, dưa leo. Máy ép công suất 400-650W có chức năng ép hiệu quả hơn, cho nhiều nước, phù hợp với nhiều loại trái cây, thực phẩm cứng như ổi, cóc, cà rốt… Máy ép công suất 700W trở lên có thể xay ép khô xác, ép nước triệt để, tiết kiệm nhiên liệu.

Với máy ép tốc độ cao:
Bạn nên hỏi người bán hàng những dòng máy xay có thêm chức năng tự đẩy bã xơ ra ngoài, chúng sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian đấy nhé!
Chọn một máy ép có ống nhồi vừa đủ: vì ống quá nhỏ sẽ khiến bạn mất công cắt nhỏ chúng, còn quá to chúng sẽ không ép được triệt để nước (do độ ma xát với mâm xoay ít) và như vậy cũng sẽ rất lãng phí nguyên liệu.
Không nên lựa chọn máy ép có tốc độ quá nhanh bởi chúng sẽ làm nước ép đổi vị, nhiều bọt và nhanh oxy hóa.

Với máy ép tốc độ thấp:
Hãy chọn một chiếc máy ép có ống nhồi lớn, nó sẽ giúp bạn thao tác nhanh hơn mà không cần phải cắt nhỏ trái cây, rau củ. Tốc độ ép chậm sẽ đảm bảo giá trị của nước ép, ít bọt và thơm ngon. Và quan trọng nữa là cần cân nhắc giá thành khi mua máy. Nếu không có nhu cầu quá lớn về nước ép trái cây thì việc đầu tư một khoản tiền lớn cho chiếc máy ép chậm là điều các bà nội trợ thường phân vân.

Theo tamsugiadinh.vn

Alternate Text Gọi ngay