Samsung dời nhà máy từ Việt Nam sang Ấn Độ?

Samsung dời nhà máy từ Việt Nam sang Ấn Độ?

Ricky Hồ

[external_link_head]

(TBKTSG Online) – Tập đoàn công nghệ Samsung Hàn Quốc vừa trình Chính phủ Ấn Độ kế hoạch dự trù sản xuất điện thoại trị giá 40 tỉ đô la Mỹ. Động thái mới của Samsung cùng các nhà cung ứng của Apple đã được báo chí quốc tế cho rằng Samsung có thể sẽ dời một phần dây chuyền sản xuất ở Việt Nam sang đất nước Nam Á này.

Samsung dời nhà máy từ Việt Nam sang Ấn Độ?
Dây chuyền sản xuất smartphone của Samsung ở Noida thuộc tiểu bang Uttar Pradesh ở Ấn Độ. Ảnh: Fortune India

Đại công xưởng tại Việt Nam

Điện thoại thông minh (smartphone) sản xuất tại Hàn Quốc chiếm 11,4% tổng số lượng toàn cầu trong năm 2008, nhưng giảm mạnh chỉ còn 1,3% vào năm 2018. Trong thời gian đó, Samsung cũng giảm sản xuất điện thoại trong nước, từ mức 60 triệu chiếc trong năm 2008 xuống còn khoảng 20 triệu chiếc trong năm 2018.

Samsung bắt đầu mở cơ sở sản xuất đầu tiên tại Bắc Ninh vào năm 2009 với số vốn ban đầu là 650 triệu đô la. Song song với việc mở rộng nhà máy ở Bắc Ninh. Samsung đầu tư thêm gần 7 tỉ đô la để xây dựng tổ hợp sản xuất smartphone và các xưởng vệ tinh sản xuất linh phụ kiện tại Thái Nguyên vào năm 2013.

Samsung nói sản phẩm công nghệ cao Made in Vietnam từ hai nhà máy Bắc Ninh và Thái Nguyên chiếm hơn 50% năng lực sản xuất smartphone của họ. Phần còn lại phân bổ cho các nhà máy của Samsung ở Ấn Độ, Brazil và Indonesia và dĩ nhiên là ở Hàn Quốc, dù tỷ lệ rất nhỏ.

[external_link offset=1]

Các sản phẩm của Samsung sản xuất tại Việt Nam được xuất sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó phần lớn ở Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông.

Theo số liệu của Reuters, năm 2018 hai nhà máy xuất xưởng 173 triệu thiết bị bao gồm smartphone, máy tính bảng và đồng hồ đeo tay thông minh. Nguyên Tổng giám đốc Samsung Vietnam Shim Won Hwan nói rằng: “… Con số khổng lồ này là minh chứng rõ ràng về quyết tâm của chúng tôi biến Việt Nam thành cứ địa sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới”.

Mở rộng đầu tư tại Ấn Độ

Samsung thành lập xưởng chế tạo smartphone tại Noida thuộc tiểu bang Uttar Pradesh vào năm 2018 với số vốn đầu tư 705 triệu đô la Mỹ. Báo chí quốc tế lúc đó nói đây là nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất thế giới của Samsung, nhưng Samsung sau đó cho biết, tổ hợp smartphone với nhà máy ở Thái Nguyên và khoảng 30 nhà cung cấp linh kiện mới là lớn nhất.

Nhà máy ở Noida có năng lực sản xuất 120 triệu máy dòng Galaxy M và Galaxy A giá rẻ. Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ tập trung cho thị trường nội địa ở Ấn Độ mà Samsung đưa sản phẩm vào cách đây hơn 20 năm. Samsung chuyển sang sản xuất ở Ấn Độ nhằm tránh thuế nhập khẩu quá cao, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm – Business Today của Ấn Độ phân tích.

Nỗ lực này được củng cố vào năm 2019 với việc Samsung cam kết đầu tư thêm 705 triệu đô la cho nhà máy sản xuất màn hình smartphone ở Uttar Pradesh. Dự kiến nhà máy này sẽ hoạt động trong năm 2021.

Samsung đã đệ trình lên chính phủ Ấn Độ kế hoạch dự trù về sản xuất smartphone với tổng giá trị 40 tỉ đô la trong 5 năm tới theo chương trình Ưu đãi các dự án liên quan đến sản xuất (PLI) – theo tin của Economic Times. Tuy nhiên, hiện Samsung vẫn chưa có tuyên bố chính thức về kế hoạch này. Khoản đầu tư này lớn gấp 5 lần số vốn đầu tư của Samsung cho hai tổ hợp smartphone tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Theo Econonomic Times, hãng công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc có thể sẽ  di chuyển một phần của chuỗi sản xuất điện thoại thông minh của mình từ Việt Nam và một số quốc gia khác sang Ấn Độ. Samsung đang hoàn thiện kế hoạch để sớm bắt đầu sản xuất các thiết bị điện tử tại Ấn Độ. 

Một nhân vật biết rõ kế hoạch này nói Samsung có khả năng sẽ đa dạng hóa dây chuyền sản xuất của mình theo chương trình PLI của Ấn Độ. Điện thoại có giá xuất xưởng từ 200 đô la trở xuống sẽ chiếm hơn 25 tỉ đô la và đa số những chiếc này sẽ được xuất khẩu. Tờ báo của Ấn Độ nói rằng động thái này sẽ có tác động đến các hoạt động sản xuất smartphone hiện tại Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Brazil – nơi Samsung đặt nhà máy.

Samsung dời nhà máy từ Việt Nam sang Ấn Độ?
Bên trong nhà máy của Samsung ở Thái Nguyên. Ảnh: Trần Việt Hưng

“Make in India” thu hút các hãng công nghệ

Tháng 3-2020, chính phủ Ấn Độ thông báo chương trình ưu đãi sản xuất nội địa PLI cho các hãng sản xuất đồ điện tử và thiết bị điện tử có quy mô lớn. Chương trình dành các ưu đãi 4-6% trên doanh số tích lũy trong 5 năm. Kế hoạch PLI cũng được mở rộng sang các lĩnh vực khác gồm dược phẩm, chế tạo xe, dệt may và chế biến thực phẩm.

[external_link offset=2]

Bộ trưởng Truyền thông Ravi Shankar Prasad cho biết: “Tiêu chuẩn cho các hãng smartphone quốc tế là sản xuất điện thoại di động trị giá từ 15.000 rupee, khoảng 200 đô la, trong khi không có bất kỳ tiêu chuẩn nào như vậy cho các công ty nội địa. Chúng tôi hoan nghênh Apple và Samsung đến Ấn Độ và các công ty nội địa như Lava, Micromax, Padget Electronics, Sojo cũng được chào đón”. Thị trường gần 1,4 tỷ dân của Ấn Độ tiêu thụ khoảng 500 triệu chiếc điện thoại mỗi năm.

Chính phủ Ấn Độ dành ngân khoản 5,5 tỉ đô la cho các hãng smartphone và cung cấp linh kiện. Theo các báo cáo chi tiết, các nhà sản xuất smartphone giá cao như iPhone hay Samsung dòng S có thể nhận hàng chục đô la cho mỗi sản phẩm.

Trung bình, mỗi hãng có thể có được mức hỗ trợ cao nhất lên đến 1,1 tỉ đô la trong vòng 5 năm, tức là khoảng 220 triệu đô la/năm. Đến nay, đã có 22 hãng nước ngoài cam kết đầu tư 1,5 tỉ đô la trong lĩnh vực smartphone – tức là chỉ có dự án vừa và nhỏ, các dự án của Samsung hay các nhà cung cấp của Apple như Hon Hai Precision (Foxconn), Wistron và Pegatron chỉ là kế hoạch trên giấy.

Các tập đoàn đa quốc gia đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng để né tránh tác động của thương chiến Mỹ – Trung và dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, Ấn Độ hiện vẫn chưa thật sự hưởng lợi lớn dù rằng việc mở cơ xưởng ở nước này rẻ hơn. Việt Nam là quốc gia được ưa các hãng, tập đoàn nước ngoài ưa chuộng, tiếp đó là Campuchia, Myanmar, Bangladesh và Thái Lan – theo khảo sát mới đây của Standard Chartered Plc.

Cho đến giờ, Ấn Độ vẫn bị bỏ lại sau các nước như Việt Nam, Cambodia, Myanmar, Bangladesh và Thái Lan trong việc lôi kéo công ty nước ngoài mở hãng xưởng ở đất nước này. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ kỳ vọng PLI có thể giúp sản xuất lượng hàng hóa trị giá 153 tỉ đô la và tạo ra một triệu việc làm mới trực tiếp và gián tiếp.

“Dĩ nhiên, họ chắc chắn rất cân nhắc khi thực hiện dự án này, nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Từ ý tưởng và kế hoạch trên giấy đến hiện thực là khá xa”, một cựu lãnh đạo cấp cao của Samsung Vina nhận định. Ông cho rằng nếu có sự dời chuyển dây chuyền sản xuất smartphone cao cấp từ Việt Nam sang Ấn Độ hay bất cứ quốc gia thì cần thời gian và cả chi phí lớn bởi Việt Nam chiếm hơn 50% năng lực sản xuất smartphone của Samsung.

“Samsung cân nhắc việc mở nhà máy hoặc là tại Việt Nam hoặc là ở Ấn Độ trong nhiều năm qua. Họ mở nhà máy ở Việt Nam từ 2009, và gần 10 năm sau mới mở nhà máy đầu tiên tại Ấn Độ. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi. Khả năng dời sản xuất sang Ấn Độ là có thực, đặc biệt là khi Ấn Độ có nhiều ưu đãi cụ thể về tài chính và thuế, bên cạnh đó là thị trường tiêu thụ với sức mua 500 triệu máy mỗi năm, phần lớn ở phân khúc giá rẻ và trung bình. Nhưng vẫn có thể là đầu tư mới bởi nhà máy sản xuất dòng sản phẩm cao cấp như Galaxy Note 10 cần vốn đầu tư lớn hơn”, ông cho biết.

[external_footer]

Alternate Text Gọi ngay